Tọa lạc phía Bắc tỉnh Bình Dương, thị xã Tân Uyên lâu nay được biết đến như là một trong những đô thị công nghiệp phát triển năng động. Trên thực tế, Tân Uyên còn rất giàu tiềm năng trở thành một trung tâm giáo dục, nghiên cứu khoa học theo định hướng phát triển đô thị trí thức.
Phát triển đô thị tri thức
Tân Uyên nằm tiếp giáp với thành phố mới Bình Dương, dễ dàng kết nối với TP.HCM, TP Biên Hòa, TP Thủ Dầu Một bằng hệ thống giao thông liên vùng đã khá hoàn chỉnh.
Ở phía Đông và phía Nam, Tân Uyên kết nối trực tiếp với thị xã Dĩ An, Thuận An, TP Biên Hòa và TP.HCM thông qua đường ĐT 746, ĐT 747A, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn, quốc lộ 13…
Ở phía Tây, Tân Uyên kết nối với thị xã Bến Cát, huyện Củ Chi, Hóc Môn của TP.HCM bằng đường Vành đai 4. Ở phía Bắc, Tân Uyên kết nối với thành phố Đồng Xoài và các tỉnh Tây Nguyên theo các trục giao thông huyết mạch ĐT 741, ĐT 742, quốc lộ 14…
Sắp tới còn có thêm các tuyến metro, đường sắt cao tốc kéo dài từ TP.HCM đến thẳng trung tâm thị xã Tân Uyên. Hệ thống này kết hợp hứa hẹn sẽ tạo động lực biến Tân Uyên trở thành cực tăng trưởng “nóng” của Bình Dương.
Đáng chú ý, Tân Uyên còn nắm giữ một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị của Bình Dương, đặc biệt là chiến lược xây dựng thành phố thông minh. Không phải ngẫu nhiên Bình Dương quy hoạch khu đô thị đại học Cổng Xanh quy mô hơn 600ha tại Bắc Tân Uyên.
Tại đây đang có nhiều khu công nghiệp sạch với hàm lượng khoa học – công nghệ rất cao như VSIP 2 (345ha), VSIP 2 mở rộng (1.700ha), VSIP 3 (1.000ha), Tân Bình (352,5ha)… Dân cư tập trung chủ yếu là lao động trình độ cao, doanh nhân, người nước ngoài và các trí thức trẻ.
Dễ nhận thấy sự phát triển của thị xã Tân Uyên có nhiều nét tương đồng với khu Đông TP.HCM. Và nếu được đầu tư đúng hướng, nhiều khả năng Tân Uyên sẽ sớm trở thành một đô thị tri thức hiện đại, nơi tập trung sinh sống và làm việc của đông đảo doanh nhân, giới nghiên cứu khoa học…
Theo TTDN